Người ta nói mãi về sự kiên định, kiên trì. Vậy đến khi nào thì chúng ta nên từ bỏ? Đó cũng chính là câu hỏi được Gen Z đặt ra trong cuộc đối thoại với các nhà tuyển dụng tại chương trình “Whose Chance Talk – Gen Z hỏi, các Sếp trả lời”.
“Thực sự khi chúng ta chọn lựa sai, chúng ta phải biết điều đó và từ bỏ”, đó là câu trả lời của Sếp Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Viễn thông FPT trước câu hỏi: “Khi nào thì nên bỏ cuộc” của một bạn Gen Z.
“Khi nào thì nên bỏ cuộc” – đó chỉ là một trong những câu “hỏi xoáy đáp xoay” mà các sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đã đặt ra trong chương trình “Whose Chance Talk – Gen Z hỏi, các Sếp trả lời”. Nằm trong chuỗi sự kiện của show truyền hình thực tế “Whose Chance – Cơ hội cho ai”, chương trình mang đến những kiến thức về việc làm, giúp sinh viên sắp tốt nghiệp chuẩn bị tâm thế cho hành trình sắp tới. Bên cạnh những “câu hỏi lớn” của Gen Z về nghề nghiệp, lãnh đạo các doanh nghiệp cũng chỉ ra những điểm yếu làm mất đi lợi thế cạnh tranh của sinh viên trên thị trường lao động.
Trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), không ít bạn trẻ đặt ra mối lo ngại về cơ hội việc làm trong tương lai. Giải đáp thắc mắc này, các khách mời khẳng định rằng mỗi người phải tạo sự khác biệt bằng tư duy độc lập nếu không muốn bị AI thay thế.
Khi thế giới phẳng, khả năng tiếp cận thông tin của con người được mở rộng, các cá nhân dễ bị tác động và dẫn tới xu hướng đám đông. Để rèn luyện tư duy độc lập, Sếp Hoàng Nam Tiến chỉ ra 5 yếu tố quan trọng gồm: tố chất, phẩm chất, kiến thức, năng lực và kinh nghiệm.
Trong đó, “tố chất là trời sinh, phẩm chất là do rèn luyện, kiến thức là do học tập, năng lực là do thử thách và kinh nghiệm là do thời gian”, là lời chia sẻ của ông Tiến đến Gen Z.
Nguồn: Thanhnien.vn